Đâu là nguyên nhân khiến hồ tiêu Tây Nguyên chết như “ngả rạ” ?x`

Hàng ngàn ha hồ tiêu ở Tây Nguyên đang bị bệnh, dẫn đến bị chết, nguyên nhân không khó nhận diện: Đó là chính những chủ vườn đang vô tình “đầu độc” vườn tiêu của chính mình, dưới nhiều hình thức…
Tan tác những vườn tiêu bị dịch bệnh
“Tiêu chết do… giá cao”
Đó là đánh giá của ông Trương Phước Anh – Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai: Giá hồ tiêu liên tục tăng cao trong nhiều năm dẫn đến việc người dân thâm canh quá mức: Sử dụng phân bón quá liều lượng, sử dụng phân phức hợp không cân đối tỷ lệ N – P – K và các chất kích thích, phân bón đậm đặc để thu năng suất cao đã làm cho cây mất cân bằng dinh dưỡng, mất khả năng đề kháng tự nhiên dẫn đến dễ bị nấm bệnh tấn công gây hại. Một nguyên nhân khác là do nguồn gốc giống không được chọn lọc, sử dụng không rõ nguồn gốc, bị nhiễm bệnh trước khi đưa ra vườn.
Giá hồ tiêu liên tục ở đỉnh điểm trong nhiều năm, trong khi các loại cây trồng khác như cao su, cà phê liên tục mất mùa và mất giá, khiến không ít nông dân ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu. Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích hồ tiêu của cả nước đã vượt ngưỡng 85.000 ha – vượt quy hoạch hơn 30.000 ha. Riêng tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ, diện tích hồ tiêu chiếm trên 51% diện tích hồ tiêu toàn quốc, sản lượng chiếm trên 91% tổng sản lượng hồ tiêu toàn quốc.
Trong đó, Gia Lai là tỉnh có diện tích, năng suất và sản lượng hồ tiêu lớn so với cả nước. Ngày 7/10/2010, UBND tỉnh Gia Lai đã có Quyết định số 681/QĐ-UBND, về việc quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, diện tích hồ tiêu được quy hoạch của tỉnh đến năm 2015 là 6.000 ha, tầm nhìn đến năm 2020 vẫn giữ ổn định ở quy mô 6.000 ha. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, diện tích hồ tiêu của tỉnh này đã lên đến khoảng 16.000 ha. Như vậy, diện tích hồ tiêu của tỉnh Gia Lai – tính đến thời điểm này đã vượt khoảng 10.000 ha, gấp nhiều lần so với quy hoạch.
Ồ ạt mở rộng diện tích, trong khi kiến thức về cách chăm sóc, cách sử dụng thuốc BVTV, cách chọn giống tốt lại không có, dẫn đến vườn cây ngày một xuống cấp, dịch bệnh lây lan…
Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại tiêu liên tục cũng là nguyên nhân
Thủ phạm là… chủ vườn
Nông dân Lê Thanh Hưng (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) có vườn tiêu hơn 1.300 trụ đang trong giai đoạn thu hoạch, đột nhiên chết đồng loạt không rõ nguyên nhân. Ban đầu chết rải rác, rồi chết cả vườn, ai bày gì anh cũng thử, đủ cách nhưng vườn tiêu vẫn vô phương cứu chữa. Hỏi chết vì bệnh gì: Bó tay !
Theo ThS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây hồ tiêu: Nói về bệnh trên cây hồ tiêu, đầu tiên và nghiêm trọng nhất là do nhiễm virus, đặc biệt là ở Gia Lai nhiều vườn tiêu bị nhiễm rất nặng.
Bệnh này lây lan theo kiểu từ mẹ sang con, nếu lấy giống từ vườn bị nhiễm virus, mầm bệnh sẽ phát tán khắp nơi. Trong khi cây hồ tiêu được nhân giống vô tính, việc cắt cành giâm làm giống làm cho việc lây lan từ vườn này sang vườn khác càng trở nên nghiêm trọng. Hoặc trong quá trình canh tác, chỉ cần 1 đến 2 trụ trong vườn bị nhiễm mà người dân làm cỏ, cắt cành vô tình không vệ sinh dụng cụ cũng bị lây bệnh sang cây khác.
Cũng theo ThS Ngọc thì, nông dân mua giống không lựa chọn, chỉ điện thoại đặt hàng là “đầu nậu” gom giống từ các vườn chở tới bán mà không cần quan tâm đến việc tiêu giống có mang mầm bệnh hay không. Nhiều cơ sở kinh doanh cây giống chỉ vì lợi nhuận họ sẵn sàng mua cây giống với giá rẻ, sau đó nuôi bằng thuốc, phân bón ngay trong vườn ươm. Thấy cây giống xanh tốt, người dân mua về trồng thì khoảng 2-3 tháng là chết…
Cũng theo ThS Ngọc, hiện tượng các vườn tiêu bị nhiễm tuyến trùng đang là vấn đề rất nghiêm trọng, thậm chí ngay cả những vườn tiêu đang xanh tốt cũng xuất hiện tuyến trùng. Tất cả các vườn bị bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora gây ra đều xuất hiện tuyến trùng, đây là tác nhân đầu tiên tạo ra vết thương để cho nấm xâm nhiễm. Còn chết chậm là hiện tượng vàng lá chứ không phải bệnh, do canh tác dinh dưỡng không đảm bảo dẫn đến vàng lá chết chậm…
“Nông dân chưa trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản về sản xuất nông nghiệp, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng trong sản xuất, đặc biệt là với cây hồ tiêu.
Đến giờ người dân còn chưa phân biệt được thuốc sâu với thuốc bệnh, khi cây bị bệnh thì phun thuốc sâu, bị sâu thì phun thuốc bệnh.
Bón phân cho cây hồ tiêu mà mỗi lần bón đến 5-7 lạng, họ cứ nghĩ đằng nào cũng bón vào đất, cây ăn không hết thì từ từ ăn. Nhưng như thế thì quá nhiều trong khi nhu cầu thực tế chỉ cần 1,5 đến 2 lạng/gốc đối với hồ tiêu kinh doanh. Chưa kể cũng lượng phân này nhưng phải chia nhỏ ra bón nhiều lần.
Ngoài ra, theo hướng dẫn, người dân phun thuốc 2 lần/tuần, mới phun được 2 đến 3 ngày thấy không ổn, họ lại chạy mua thuốc khác về đổ vào thì không cây nào chịu nổi, tiêu chết một phần cũng do là chính người dân tự đầu độc cây, chưa kể là phân, thuốc có đảm bảo chất lượng hay không.
Ngoài ra, nhiều nông dân cũng tưới quá nhiều, cứ 3 đến 5 ngày tưới 1 lần, làm cho cây tiêu không có mùa khô, dễ bị nhiễm nấm, rồi lại đổ phân thuốc vào gốc khiến cho dư lượng này tồn đọng trong đất, cây hút đến ngày thu hoạch. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc sản phẩm hồ tiêu Việt Nam liên tục bị cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép…”. ThS Nguyễn Quang
Nguồn Trần Đăng Lâm (NongnghiepVietNam)